Giữa Unity, UDK, Unreal Engine 4 và CryEngine – tôi nên chọn nền tảng nào để làm Game?
Nếu bạn muốn tự phát triển và phát hành game của mình ra thị trường, sẽ có vài thứ rất quan trọng bạn cần phải cân nhắc trước khi bắt đầu hành trình này. Có rất nhiều nền tảng phát triển game miễn phí có những tính năng bạn cần để làm game của mình, nhưng câu hỏi vẫn là nên chọn cái nào? Để giúp bạn lựa chọn, chúng tôi sẽ phân tích bốn trong số những nền tảng mạnh nhất hiện hành để bạn có thể so sánh và có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Trong vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều nền tảng game mạnh được phát hành ra cho cộng đồng, tạo điều kiện cho những nhà phát triển độc lập có tiềm năng có thể tạo nên game mà họ đã ấp ủ trong lòng. Những nền tảng game thịnh hành nhất là
Unity,
UDK,
Unreal Engine 4 và
CryEngine. Cả 4 nền tảng này đều hết sức mạnh mẽ và mỗi trong số đó lại có những thế mạnh vượt trội riêng. Để giúp các bạn có thể lựa chọn nền tảng phù hợp nhất cho dự án của mình, bạn cần trả lời câu hỏi bạn muốn làm game thể loại gì? Đó sẽ là một game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS)? Một game di động? Game 2D hay 3D?
Nếu bạn định phát hành game này và bán nó lấy tiền, thì bạn cần phải cân nhắc đến vấn đề phí bản quyền cho mỗi nền tảng, để xác định được cái nào phù hợp với hầu bao của bạn. Mặc dù cả bốn nền tảng này đều tương đối rẻ, nhưng kể từ lúc bạn sẵn sàng để bán game, bạn sẽ phải trả tiền bản quyền, tiền tác quyền, hoặc cả hai.
Unity
Nền tảng Unity mang lại nhiều tính năng và giao diện tương đối dễ học. Điểm cốt lõi của nền tảng này là tích hợp giữa các nền tảng hệ điều hành khác nhau, nghĩa là game của bạn có thể được chuyển lên
Android,
iOS, WP8 hay Blackberry một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều đó làm cho nền tảng Unity đặc biệt thích hợp cho việc phát triển game di động. Ngoài ra Unity cũng có khả năng phát triển cho các hệ điều hành khác như PS3, Xbox360, Wii U hay cho trình duyệt Web.
Unity hỗ trợ các tài nguyên đồ họa từ các phần mềm 3D lớn như
3ds Max,
Maya,
Softimage,
CINEMA 4D,
Blender và hơn thế nữa, nghĩa là bạn gần như không phải lo về giới hạn hỗ trợ của Unity. Bản Unity 4.3 mới phát hành gần đây cũng tích hợp sẵn tính năng đồ họa 2D, hỗ trợ hình ảnh và vật lý 2D, khiến cho Unity trở thành một nền tảng tuyệt vời cho game 2D.
Mặc dù hỗ trợ tích hợp hầu như bất kỳ phần mềm 3D nào, Unity vẫn có những hạn chế nhất định về khả năng chỉnh sửa trong môi trường Editor của chính Unity. Unity gần như không có tính năng tạo và xây dựng mô hình trừ một vài hình khối đơn giản, vậy nên tất cả vẫn cần phải được thực hiện trên phần mềm 3D khác. Dẫu vậy, Unity có sẵn một
thư viện tài nguyên lớn mà bạn có thể chọn tải về hoặc mua (giá cả do người tạo ra tài nguyên đó quyết định).
Có một vài hình thức tính phí bản quyền với Unity. Hình thức đầu tiên là phiên bản Pro, trọn gói $1500 hoặc $75/tháng vào thời điểm đầu năm 2014. Phiên bản
Pro hỗ trợ thêm một số tính năng so với phiên bản miễn phí, ví dụ như global lighting, render-to-texture, Mecanim IK Rigs và màn hình khởi động tự chọn, v.v. Phiên bản miễn phí của Unity có chèn vào một hình chìm mà bạn không thể loại bỏ được. Để tham khảo thêm về giá bản quyền, hãy xem trang
Giá thành của Unity.
Những người phát triển Unity cũng đang tập trung phát triển phiên bản Unity 5. Và rõ ràng là họ đang có ý định gia nhập vào cuộc chiến cạnh tranh giữa các nền tảng phát triển game, cùng với UE4 và CryEngine. Dù cho chưa có ngày phát hành cụ thể cho Unity 5, bạn vẫn có thể đặt trước, và nếu như bạn mua Unity 4 vào thời điểm này bạn sẽ được nâng cấp lên Unity 5 ngay khi nó được phát hành.
Unreal Engine 4
Unreal Engine 4 (UE4) là nền tảng phát triển game mới nhất đến từ công ty Epic Games (Unreal Tournaments, Infinity Blade, …) vào khoảng đầu năm 2014, và là kẻ kế nhiệm cho UDK. UE4 có những hiệu ứng đồ họa tuyệt hảo như tính năng chiếu sáng năng động nâng cao, cũng như một hệ thống hạt mới cho phép xử lý đến 1 triệu hạt trong 1 khung cảnh tại một thời điểm. Nếu như bạn là một nghệ sĩ game và làm 3D bạn sẽ thèm rỏ dãi khi nghe những tính năng đó.
Dù UE4 là truyền nhân của UDK, chúng ta vẫn cần phải nhớ rằng đã có rất nhiều thay đổi sâu rộng bên trong nền tảng. Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc với UDK, chắc chắn bạn sẽ vẫn phải bỏ ra một chút công sức để làm quen với nền tảng mới này. Những thay đổi này không hề xấu, và tính thân thiện của UE4 làm cho nó càng thêm hấp dẫn đối với người làm game.
Một trong những thay đổi đáng kể là ngôn ngữ kịch bản của UE4. Như bạn đã biết, các nền tảng Unreal từ trước tới nay đều chạy trên UnrealScript. Thế nhưng từ UE4 toàn bộ UnrealScript đã được thay thế bằng
C++ (người dịch: nghề của mình :3), và Kismet (người dịch: script editor cũ) đã được thay thế bằng một hệ thống Blueprint trực quan hơn.
Một điểm đáng lưu ý nữa là nếu bạn muốn phát triển game cho các thệ hệ máy game đời cũ thì bạn sẽ không thực hiện được với UE4. Tại thời điểm tháng 1 năm 2014, những game phát triển trên UE4 có thể được phát hành cho PC, Mac, iOS, Android, Xbox One và PS4. Việc có thể phát hành cho các thiết bị di động cũng như máy game thế hệ mới cho phép bạn tạo nên những game với đồ họa hớp hồn hay đơn giản là game màn hình ngang, tùy vào sự lựa chọn của bạn.
Bạn có thể tự hỏi nếu UE4 đã được phát hành thì không phải UDK và UE3 sẽ đi vào dĩ vãng sao? Xin thưa là không hẳn như vậy. Các hãng phát triển vẫn sử dụng UE3 cho các thế hệ máy cũ và tại thời điểm này thì PS3 và Xbox 360 vẫn đang thống trị thị trường.
Về giá cả, bạn sẽ phải trả tiền thuê bao $19/tháng và 5% phí tác quyền khi bạn phát hành game của bạn ra thị trường và bắt đầu thu tiền về. Với cơ chế tài chính như vậy, UE4 mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà phát triển game! Hãy tham khảo ngay
trang báo giá để biết thêm chi tiết.
Để biết thêm về UE4, hãy đọc
bài viết chi tiết của DigitalTutors. Sau đó hãy thử sức với
loạt bài hướng dẫn UE4 cơ bản. (người dịch: sẽ dịch cả 2 bài nếu có nhiều người vote 5*)
Unreal Development Kit - UDK
Unreal Development Kit, hay còn gọi là
UDK, là phiên bản miễn phí của UE3, phát triển bởi
Epic Games, cho phép bạn tiếp cận nền tảng phát triển game mạnh mẽ đã được sử dụng trong nhiều game AAA, trong đó có
Gears of War. UDK có nhiều tính năng đồ họa cao cấp và cũng có thể được sử dụng để phát triển game di động. Và khác với Unity, UDK có đầy đủ công cụ để thiết kế màn chơi ngay trong hệ thống.
Nền tảng Unreal ban đầu được thiết kế cho game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS), vì ban đầu nó được thiết kế cho game
Unrealđầu tiên, song từ lâu đã được sử dụng trong nhiều thể loại game khác như Nhập vai (RPG). UDK (và UE3) sử dụng ngôn ngữ script có tên gọi là UnrealScript có hướng đối tượng giống như Java và C++. Để tham khảo tất cả những game đã và đang sử dụng UE3, bạn có thể đến thăm trang giới thiệu
game của UDK.
Giống như Unity, UDK có thể được phát hành cho nhiều hệ điều hành khác nhau, bao gồm iOS, Android, WP8, Xbox360, PS3, PSVita và Wii U. Dẫu vậy, bạn vẫn nên nhớ rằng “phiên bản miễn phí” của UE chỉ hỗ trợ phát hành trên PC và Mac. Nếu bạn muốn phát hành nh cho các máy chơi game, bạn sẽ cần có giấy phép đầy đủ của UDK (tức là UE3).
UDK hoàn toàn miễn phí cho đến lúc bạn muốn phát hành game của mình. Khi đó bạn sẽ phải trả $99 tiền bản quyền và phí tác quyền 25% sau khi bạn đã kiếm được tối thiểu $50k cho game của bạn. Bạn có thể tới trang phí bản quyền của UDK để tìm hiểu kỹ hơn.
CryENGINE
CryENGINE là một nền tảng game cực kỳ mạnh, được thiết kế bởi công ty
Crytek, những người đã phát triển game
Far Cry huyền thoại đầu tiên. CryEngine được thiết kế để hoạt động trên PC và các máy chơi game, bao gồm cả PS4 và Xbox One. Những tính năng đồ họa của CryENGINE vượt xa Unity và UDK, tương đương với UE4 với tính năng chiếu sáng hiện đại nhất, hiệu ứng vật lý chân thực, hệ thống hoạt họa cao cấp, cùng nhiều thứ nữa. Game gần đây nhất sử dụng CryENGINE để phát triển là
Ryse: Son of Rome. Tương tự như UDK và UE4, CryENGINE có những phương tiện mạnh mẽ và trực quan để phát triển màn chơi được tích hợp sẵn trong nền tảng.
Cho dù CryENGINE là một nền tảng rất mạnh, bạn cũng sẽ vẫn phải mất một chút thời gian nghiên cứu học hỏi trước khi có thể sử dụng nó thành thạo, và sẽ càng khó hơn nếu bạn chưa có tí kinh nghiệm làm việc với nền tảng làm game nào khác. Nếu bạn không có nhu cầu cạnh tranh về phương diện đồ họa với những game như
Crysis 3 hay Ryse: Son of Rome thì có lẽ bạn nên chọn nền tảng khác dễ sử dụng hơn.
Với việc thông báo phát hành gần đây và cơ chế bản quyền hấp dẫn của UE4, CryENGINE đã cân đối lại mô hình tính phí của mình với mức giá còn thấp hơn, chỉ có $10/tháng, và ko yêu cầu phí tác quyền. Bạn có thể đọc thêm về
bài viết của Crytek để hiểu rõ hơn về chương trình CryENGINE As-A-Service.
Vậy cái nào là phù hợp nhất với tôi?
Tất cả các nền tảng này đều có thể là một sự lựa chọn tuyệt vời cho dự án phát triển game của bạn. Khi mà Unity là một nền tảng tuyệt vời cho di động, game 2D và 3D, thì UDK có những tính chất phù hợp cho game FPS và hoàn toàn miễn phí cho tới khi bạn phát hành game. UE4 cho phép bạn tạo ra những game với đồ họa như thật hoặc đơn giản là game 2D màn hình ngang với chi phí bản quyền hợp lý, còn CryENGINE thì có những tính năng đồ họa tuyệt vời, và khả năng phát triển cho các thiết bị đời mới với giá cả còn hấp dẫn hơn cả UE4.
Cuối cùng thì bạn là người quyết định nền tảng nào sẽ phù hợp nhất với dự án của bạn. Có một điều chắc chắn rằng bạn sẽ luôn có nhiều sự lựa chọn. Chuỗi bài này sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn có thể quyết định và giúp bạn tập trung vào phần hấp dẫn nhất: phát triển game của mình. Nếu bạn vẫn chưa chắc lắm, bạn hãy nghịch thử với các nền tảng này và xem cái nào làm bạn thoải mái nhất. Ngoài ra bạn có thể tham khảo các khóa hướng dẫn của DigitalTutors để có căn bản vững chắc hơn:
Unity tutorials,
UDK tutorials,
UE4 tutorials và
CryENGINE tutorials.
Nguồn:
DigitalTutors