LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CÁC BẠN SẮP LÀM ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP
Làm đồ án tốt nghiệp là một công việc lớn, để đạt được kết quả tốt thật không dễ dàng. Xin chia sẻ với các bạn sắp làm đồ án tốt nghiệp một số kinh nghiệm, hy vọng có ích cho các bạn.
1. Nghĩ đến việc lựa chọn đề tài sớm, ngay từ học kỳ 1 của năm cuối.
Thời gian làm tốt nghiệp 6 tháng nhưng lại kề Tết, nhiều bạn để qua Tết vẫn chưa tìm được đề tài. Điều này rất ảnh hưởng đến kết quả bởi thời gian tiếp cận vấn đề bị rút ngắn.
Các bạn đừng băn khoăn nhiều về tên đề tài cụ thể mà trước hết hãy chọn một hướng đề tài . Ví dụ với đồ án quy hoạch bạn có thể có định hướng: Quy hoạch du lịch, Quy hoạch khu dân cư, Quy hoạch khu đô thị mới, Quy hoạch cải tạo, Quy hoạch bảo tồn, Quy hoạch chi tiết trung tâm, tuyến phố đi bộ…Những định hướng này là rất quan trọng để bạn có thể tiếp cận các thông tin, thu thập tài liệu,bổ sung thêm kiến thức về chuyên sâu này càng sớm càng tốt. Còn khi nhận đề tài cụ thể bạn sẽ thiết kế trên khu vực, địa điểm đặc thù theo định hướng đã lựa chọn.
2. Phải có thời gian và tích cực bổ sung kiến thức theo hướng đề tài đã chọn. Phải thực hiện ngay từ thời gian thực tập. Tất nhiên trước đó càng tốt.
Phải thừa nhận một thực tế rằng kiến thức lý thuyết các bạn học về quy hoạch trên lớp là chưa đầy đủ để làm các đồ án chuyên sâu, ví dụ về quy hoạch du lịch, cảnh quan hay bảo tồn. Vì vậy nếu bạn có ý định làm theo hướng này phải thu thập thêm tài liệu bổ sung cho kiến thức.
Nội dung thu thập tài liệu tham khảo:
- Lý thuyết về chuyên ngành đó.
- Các đồ án thực tế đã làm về chuyên ngành đó
- Các đồ án nước ngoài tương tự
3. Chọn tên đề tài đồ án tốt nghiệp.
Hãy lựa chọn tên thật kỹ, đừng để đến lúc thể hiện mới đổi tên. Tên càng ngắn gọn, dể hiểu càng tốt. Phải sát với nội dung thể hiện. Nếu có tên hay, thể hiện được nội dung đồ án thì cũng rất tốt.
Những lỗi nên tránh:
+ Tên đề tài một đằng, nội dung một nẻo. Ví dụ tên là đồ án cải tạo nhưng lại chỉ tòan thiết kế xây mới
+ Các bạn hãy thận trọng với những khái niệm mới còn gây tranh cãi như về sinh thái, phát triển bền vững…Nếu muốn đưa tên đó vào đề tài của mình thì phải tìm hiẻu kỹ về các khái niệm (dễ bị các thầy vặn hỏi lắm đó).
4. Bí ý quá làm thế nào?
Có tình trạng đã làm đến 2 tháng rồi mà ý tưởng đồ án vẫn mờ nhạt, chẳng có gì để thông qua, sợ thày mắng lên ở luôn nhà, hy vọng có ý rồi mới đến thông.
Cách này là dở nhất bởi vì có khi ở nhà đến khi kiểm tra tiến độ lần 2 vẫn chưa có ý. Càng bị thầy phê bình.
Nên sớm tìm đến thày hướng dẫn để được gợi ý những ý tưởng. Có thể gặp hỏi nhiều thày, không nhất thiết chỉ có thầy hướng dẫn. Có thể tham khảo cả bạn bè. Đồ án nói chung phải có ý tưởng không thì sẽ rất nhạt, khó mà có điểm cao được.
5. Làm thế nào để nhận được ý hay từ phía thầy:
Không phải thầy nào cũng có sẵn ý tưởng cho đồ án của bạn, chỉ khi thầy cùng suy nghĩ với bạn, có các tư liệu, thông tin đầy đủ về vấn đề đó như đánh giá hiện trạng, tài tiệu tham khảo …thì mới có thể có ý tưởng gợi ý cho bạn. Nếu thày không đi được đến hiện trạng thì bạn phải có hồ sơ miêu tả thật kỹ, nếu không thì thày cũng chẳng có tư liêụ, cảm xúc gì để cho ra ý tưởng.
6. Có phải đến hiện trạng không? Điều này là bắt buộc.
Nếu bạn định chọn đề tài ở một thành phố ở trong Nam thì phải xem khả năng có đi đến được tận nơi không đã.
7. Ta là kiến trúc sư hay là nhà thơ, nhà sử học, nhà văn hóa?
Câu hỏi này không thừa vì nhiều bạn sau khi trang bị nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, xã hội lại đam mê nó đến nỗi đồ án kiến trúc, quy hoạch trở thành đồ án về lịch sử với những giới thiệu rất kỹ về lịch sử, truyền thuyết, phong thủy hay các ý nghĩa tâm linh …Hãy nhớ là sản phẩm của chúng ta là các bản vẽ về quy hoạch không gian hoặc thiết kế công trình. Các vấn đề văn hóa, xã hội chỉ là cơ sở để chúng ta đề xuất các phương án quy hoạch, kiến trúc mà thôi.
8. Cần có một sức khỏe tốt, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Có một cảnh báo rằng hầu như năm nào cũng có sinh viên kiến trúc trở nên rất ít nói hoặc luôn ngửa mặt lên trời, miệng lẩm bẩm sau khi làm đồ án tốt nghiệp. Đó là hệ quả của sự tập trung căng thẳng quá mức mà vốn trong quá trình học chúng ta chưa phải giải quyết khối lượng công việc lớn như vậy. Sức khỏe là rất quan trọng trong giai đọan này. Các bạn đừng ỷ vào sức trẻ, nghĩ rằng mình có thể thức đêm một tháng liền.
Các kết quả là của một quá trình, từng tuần, từng ngày. Nếu có kế hoạch làm việc tốt thì sẽ tránh được những suy sụp về sức khỏe.
9. Quan tâm đến máy tính và ổ cứng của bạn.
Virut, chết ổ cứng lại rất hay xảy ra vào tuần cuối trước khi nộp đồ án. Luôn cảnh giác và ghi đĩa lưu thường xuyên.
10. Lời khuyên về thể hiện
- Cần thể hiện rõ ràng, không để nền rối rắm dưới hình, khó đọc. Ví dụ nền đen hoặc có hình khác làm nền rối mắt (đây là cách thể hiện các thầy không ưa nhất).
- Không cần có bản về sơ đồ nghiên cứu, đây không phải là luận văn. Không biết bắt chước nhau thế nào mà rất nhiều bạn hy sinh hẳn một bản vẽ để vẽ ra thứ mà không được tính điểm.
- Không phải cứ có nhiều phối cảnh là hay. Hãy chọn một hoặc 2 bản minh họa với góc nhìn tốt nhất để đầu tư hơn là rất nhiều hình minh họa nhỏ.
- Nếu không quá lụt, trước khi nộp khoảng 1-2 tuần, cho thầy giáo xem nội dung và bố cục bản vẽ. Sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc do thể hiện. Ví dụ nội dung quan trọng bạn lại để hình rất bé.
11. Nếu in được bản vẽ nào trước được thì cứ in, vì đến 3 ngày sát lúc nộp đồ án, tất cả các máy in màu ở Hà Nội đều đã nóng sắp cháy rồi.
12. Nói thật to khi bảo vệ đồ án.
Để được điểm 9-10 đương nhiên bạn phải trình bày tốt. Đừng e lệ quá, nhất là các bạn nam kiến trúc.
13.Chuẩn bị tốt cho bảo vệ Sơ khảo vì đây là điểm rất quan trọng,ảnh hưởng đến điểm tốt nghiệp. Các thầy trong hội đồng chính thức cũng thường hay dựa vào điểm này để dánh giá.
Nhiều bạn lại coi nhẹ lúc bảo vệ sơ khảo, nói năng ấp úng do không kịp chuẩn bị , đểm bị đánh giá thấp thật đáng tiếc.
14.Nếu không muốn làm gì mà có thể vẫn được điểm cao thì kiếm đồ án khóa trước thay tên vào và mang đi bảo vệ. Sẽ cần nhiều người đến chia buồn vì thông thường các thày giáo nhớ bài mình đã hướng dẫn trong khoảng 5 năm hoặc lâu hơn. Hy vọng không ai phải có kỷ niệm buồn này.
15. Tất cả các bạn đã ra trường đều cho rằng đồ án tốt nghịêp là dấu ấn của cuộc đời, không bao giờ quên. Hãy làm đồ án thật tốt, sẽ là dấu ấn đẹp, chúng ta sẽ gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp.
Chúc các bạn thành công !!!
Tác giả: PGS.TS. Phạm Hùng Cường
14/04/2008
Đăng nhận xét