Phong cách kiến trúc Bắc Âu - Scandinavia Architecture

Tôi luôn thấy những bức ảnh Design, Render những phong cách nội thất rất thô mộc lại toát lên vẽ hiện đại.
Vật liệu trong công trình rất thô và tự nhiên
Tôn trọng màu sắc chủ đạo của vật liệu

Tôi quyết định tìm hiểu về phong cách kiến trúc này !


Xuất hiện từ lâu đời, nét thẩm mỹ tinh tế của bán đảo Scandinavia từ Châu Âu đã được áp dụng phổ biến trong thời trang và kiến trúc ngày nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vẻ đẹp ấy tuy có những biến đổi theo thời gian những vẫn lưu lại những đặc điểm riêng biệt khó cưỡng.

Scandinavia (tiếng Việt: Xcan-đi-na-vi hoặc Xcăng-đi-na-vi được phiên âm từ tiếng Pháp: Scandinavie) là khái niệm chỉ một phần hay toàn bộ vùng Bắc Âu. Trong địa lí, bán đảo Scandinavia là bán đảo với xương sống là dãy núi Scandinavia, được bao bọc bởi biển Baltic, biển Bắc, biển Na Uy của Đại Tây Dương và biển Barents của Bắc Băng Dương. Bán đảo Scandinavia tương đương lãnh thổ đất liền hiện nay của Na Uy, Thụy Điển và một phần miền bắc Phần Lan. Trong lĩnh vực văn hoá, lịch sử và ngôn ngữ, Scandinavia được hiểu bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Điển.

Phong cách Scandinavian là sự kết hợp đầy tinh tế giữa các yếu tố: màu trắng, ánh sáng thiên nhiên và chất liệu gỗ tạo nên một không gian sống mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần hiện đại và thanh lịch.


Phong cách nội thất Bắc Âu luôn được coi như phong cách chuẩn mực cho sự sang trọng, nhã nhặn nhưng vẫn toát lên vẻ phóng khoáng và hiện đại.


Nếu chọn phong cách Bắc Âu cho ngôi nhà của mình, bạn cần lưu ý những nguyên tắc "vàng" sau đây:


1. Đưa ánh sáng vào nhà


Ngôi nhà theo phong cách Bắc Âu thường mang không khí tươi sáng, tuân theo nguyên tắc hàng đầu là đưa càng nhiều ánh sáng tự nhiên vào trong nhà càng tốt. Để tăng cường sự phản chiếu của ánh sáng lên nội thất, những gam màu sáng, nhẹ được lựa chọn sử dụng cho toàn bộ phần sàn nhà, tường, rèm cửa và khung kính.






Nếu bạn chọn phong cách Bắc Âu cho ngôi nhà của mình, việc đầu tiên hãy gạch bỏ khỏi danh sách những tấm rèm cửa dày và các chi tiết trang trí trên gờ cửa sổ. Nếu bạn e ngại những tấm rèm mỏng với chất liệu “sheer” khiến cho ngôi nhà mất đi sự riêng tư hoặc không ngăn được ánh sáng từ bên ngoài vào ban đêm, thì cửa gỗ chớp có thể sử dụng thay thế. Giải pháp này cũng giúp nâng cao khả năng cách nhiệt trong mùa hè, tiết kiệm năng lượng khi sử dụng điều hòa và ngăn không khí lạnh khi mùa đông đến.


2. Trang trí với các vật liệu từ thiên nhiên


Thiết kế nội thất trong những ngôi nhà Bắc Âu đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, với phần lớn vật liệu được sử dụng là chất liệu gỗ, đá và lông thú. Khi đi vào thiết kế hiện đại, gỗ tự nhiên được tiết chế và sử dụng ít hơn, thường xuất hiện ở trong chi tiết trang trí, một vài đồ nội thất, đôi khi là lát sàn hoặc ốp tường. Các đồ dùng nội thất bằng gỗ khi thiết kế cũng được chú trọng để giữ vẻ đẹp tự nhiên và các đường vân trên từng thớ gỗ, hoặc chỉ xử lý với chất liệu dầu trung tính hay phủ một lớp sơn trắng.






Một số chất liệu khác như các sản phẩm dệt may tự nhiên từ vải lanh, cây gai dầu, bông cũng được sử dụng khá phổ biến trong nội thất phong cách này. Tấm thảm lông đặt trên ghế hay bọc sofa là một trong những đồ dùng không thể thiếu trong một ngôi nhà Bắc Âu.


3. Màu trắng là chủ đạo


Màu trắng được sử dụng xuyên suốt từ những bức tường lên tới tận trần nhà, thậm chí cả sàn nhà cũng sử dụng gạch lát màu trắng hoặc trung tính. Đối với những căn hộ nhỏ, nội thất màu trắng và khung cửa sổ mở rộng khiến ngôi nhà bừng sáng và tràn ngập cảm giác vui vẻ. Màu trắng cũng giúp mở không gian, tạo cảm giác tươi sáng và thoáng mát.






Các đồ dùng nội thất, những tấm rèm, thảm cũng sẽ mang màu sắc trung tính như màu be, ngà, nâu sẫm, màu đen và xám. Điểm nhấn sẽ được tập trung vào các đồ vật trang trí và trên những bức tường để tạo mang đến cho không gian vẻ đẹp riêng.


4. Tổ chức và sắp xếp những không gian nhỏ



Một phần tạo nên vẻ đẹp của phong cách Bắc Âu là mọi thứ đều được tổ chức và sắp xếp logic và đầy tính thẩm mỹ. Thậm chí ngay cả ở những góc nhỏ nhất trong ngôi nhà, bạn cũng biến chúng thành những không gian lưu trữ tự nhiên và đẹp mắt.






Nếu bạn đang phân vân trong việc xử lý khoảng không dưới gầm cầu thang, gác mái hoặc căn phòng nhỏ hẹp, bạn có thể đặt vào đó một chiếc tủ “built-in” hay chiếc giá treo để cất giữ đồ đạc một cách gọn gàng và tiết kiệm không gian. Hãy cân nhắc việc tạo một không gian chức năng với hệ thống kệ gắn trên tường và những chiếc giỏ để lưu trữ đồ thuận tiện.


5. Không gian sống đơn giản


Tối thiểu hóa đồ dùng nội thất và các đồ trang trí để giữ ngôi nhà luôn gọn gàng, thoáng đãng. Bên cạnh đó, những đồ dùng nội thất chính luôn là màu trắng hoặc các màu trung tính cho phép bạn thay đổi điểm nhấn trang trí theo các mùa trong năm.






Đó có thể là những tấm rèm với họa tiết rực rỡ mang lại vẻ đẹp cho khung cửa mùa thu, hay những ngọn nến, những chiếc đèn ngủ ánh sáng vàng mang lại cảm giác ấm áp vào những ngày đông lạnh.


6. Giải thoát ngôi nhà khỏi sự lộn xộn


Một không gian lưu trữ tốt luôn là yếu tố cốt lõi tạo nên phong cách nội thất Bắc Âu cho ngôi nhà. Giữ cho ngôi nhà của bạn luôn gọn gàng với những chiếc giá, kệ được sắp xếp một cách hợp lý. Thay vì tủ chứa đồ kín mít, nặng nề, những chiếc giá, kệ và các hộp đựng đẹp mắt sẽ khiến không gian lưu trữ của bạn chẳng khác gì một không gian nghệ thuật.





Xử lý tốt không gian này sẽ giữ cho ngôi nhà của bạn luôn gọn gàng, thuận tiện cho việc dọn dẹp, tạo nên một không gian sống thoáng đãng, dễ chịu khiến bạn luôn cảm thấy lạc quan, yêu đời.


7. Hơi thở thiên nhiên tràn ngập ngôi nhà


Đưa thiên nhiên vào nhà giúp thanh lọc không khí, mang lại cảm giác thư thái và bình yên cho ngôi nhà của bạn. Một khung cửa sổ mở ra khu vườn, ban công xanh mát hay một vài chậu cây nhỏ đặt trên bàn cũng đủ mang hơi thở thiên nhiên tràn ngập khắp căn phòng.






Không phải loại cây xanh nào cũng có thể đưa vào trong nhà được vì vậy bạn cần phải lưu ý đến việc lựa chọn những loại cây phù hợp mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.


8. Chú trọng đến phòng ăn và không gian dành cho khách



Đây là hai khoảng không gian được đặc biệt chú trọng khi thiết kế và trang trí theo phong cách Bắc Âu. Thông thường, bàn ăn sẽ có kích thước khá nhỏ trong khi những chiếc ghế lại chú trọng đến cảm giác thư giãn, thoải mái.






Ngay cả trong những căn hộ có diện tích khiêm tốn thì căn bếp cũng được sử dụng như không gian giải trí. Đảo bếp thường được thiết kế dài đi kèm với quầy bar, chỗ ngồi bên cửa sổ và bàn ăn dành cho ít nhất bốn người.


9. Đưa không khí trong lành vào nhà


Ngôi nhà theo phong cách này không thể thiếu một khung cửa sổ và cửa ra vào (cửa dẫn ra ban công đối với căn hộ chung cư) lớn có thể mở rộng trong những ngày đẹp trời để đưa không khí trong lành vào nhà.






Cửa kính trượt giúp xóa nhòa ranh giới giữa không gian trong nhà và ngoài trời, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên, đất trời khiến bạn cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.


10. Điểm nhấn trên những bức tường


Trong phong cách Bắc Âu, những bức tường đóng vai trò chính trong việc tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, phá vỡ sự tĩnh lặng, mênh mông của màu trắng và các gam màu trung tính. Trang trí bức tường với những bức ảnh đen trắng đang là xu hướng rất được yêu thích trong những ngôi nhà hiện đại.






Bạn có thể chọn in và treo một vài áp phích của những bộ phim kinh điển, một vài câu danh ngôn mà bạn yêu thích hoặc bức ảnh chân dung của chính mình. Tuy nhiên, dù bạn muốn trang trí thế nào cũng cần tuân theo nguyên tắc “bất di, bất dịch” của phong cách này, đó là sự tối giản và thanh lịch.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

{picture#https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiiWt0TmgxckxgyPU_tt8cDeiZblToa3f4ggcED_cTV-q3wJkBEzYqGaPvVyqkumKxGj2-2Wd3lsSB_SEkoeRXPTRoiUoOMs_65ihL733LnvF7WWOLRphtO5PkV2UFTDvwUPdr9VWg5ZRM/s322/Lien+he+2.png} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#facebook.com/nhatminhblog} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.